Chủ đề của Met Gala 2019 đã có, và đó là một định nghĩa vô cùng “hack não”

0
885

Không quá rõ ràng như những chủ đề về Trung Hoa hay Công Giáo như các năm trước, Met Gala 2019 này đi sâu vào một tầng lớp ý nghĩa rộng lớn hơn.

Met Gala, như người ta thường tán tụng, một đêm Oscar của thời trang.

Chẳng công bố trao giải và cũng chả phân định người thắng kẻ thua, thế nhưng nơi đây là một mặt trân đích thực – nơi các siêu sao, những nhà mốt và cả lô xích xông bộ sậu như stylist, chuyên gia trang điểm, làm tóc… khẳng định vị thế của bản thân trên thảm đỏ xa hoa này.

Ở Met Gala có “luật chơi” rất rõ ràng: phải mặc đúng “dresscode” (yêu cầu trang phục) và thể hiện được tinh thần của thời trang cao cấp. Tại đây không có chỗ cho những trò lố lăng, không tồn tại những bộ ngực chăm chăm nhảy xổ ra khỏi áo để giật lấy dòng tít trên các trang báo và cũng chẳng thừa ghế ngồi cho tên tuổi vô danh. Cuộc chơi tại Met Gala là văn minh và đẳng cấp.

Tư duy thời trang của khách mời sẽ được thể hiện qua sự chọn lựa trang phục của bản thân, nhà mốt họ lựa chọn đồng hành và hơn hết là tư duy cắt nghĩa về “dresscode”. Các năm trước thì chủ đề của Met Gala khá rõ ràng: Công Giáo (2018), Avant-garde (2017), Công nghệ (2016), Trung Hoa (2015)… Cho đến 2019 này, Vogue đã công bố một định nghĩa mới: “Camp: Notes on Fashion”.

Chủ đề của Met Gala 2019 đã có, và đó là một định nghĩa vô cùng hack não - Ảnh 1.

Một hình minh họa cho định nghĩa “Camp” trong thời trang.

Bạn đang nghĩ đến mùa hè và cắm trại (camping)? Một hội trại thắp lửa khắp Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (New York)???

Kỳ thực thì chủ đề của Met Gala 2019 được lấy cảm hứng từ bài tiểu luận nổi tiếng mang tên “Notes on Camp” của tiểu thuyết gia người Mỹ Susan Sontag. Định nghĩa của từ “Camp” ở đây ắt sẽ khiến nhiều người phải hoang mang.

Ra đời năm 1963, “Notes on Camp” của Susan đã tạo nên tiếng vang lớn với lối diễn giải đầy học thuật về “cái đẹp trong cái dở“. Nhiều người có thể hiểu rằng “Camp” ở đây tương đồng với “Kitsch” – hào nhoáng nhưng không thật sự có giá trị, hoặc đơn giản hơn là “giả tạo”, “rởm”, “bóng bẩy”. Bản thân Susan cũng có chia sẻ nhiều góc nhìn về “Camp” như “nghiêm trang về cái bông lông, bông lông về cái nghiêm trang” hay “cái đó hay vì nó dở kinh khủng”. Một sự đối ngẫu lý thú mang tính hiện tượng học dựa trên chủ nghĩa hiện sinh. Suy cho cùng, “Camp” nghĩa là “Lố”.

Cũng theo Susan thì nghệ thuật là thứ không cần phải diễn giải mà chỉ nên được cảm nhận bằng trực giác. Susan cho rằng nên phê bình một tác phẩm nghệ thuật dựa theo xúc cảm thay vì suy diễn. Xem ra đó chính là nền tảng của Met Gala 2019 này.

Chủ đề của Met Gala 2019 đã có, và đó là một định nghĩa vô cùng "hack não" - Ảnh 2.
Chủ đề của Met Gala 2019 đã có, và đó là một định nghĩa vô cùng "hack não" - Ảnh 2.

Những trang phục của Elton John hay Bjork đều từng bị chê bai là “Lố Lăng”, “Dị Hợm”, “Kệch Cỡm”… nhưng sau cùng chúng lại trở thành một dấu mốc của văn hóa đại chúng.

Andrew Bolton, người phụ trách triển lãm sắp tới, cũng đã nói chuyện với tạp chí Vogue Pháp về định nghĩa “hack não” này. “Mọi người thường có một định kiến về “Lố” – nào là hời hợt, chủ yếu xoay quanh những người đồng tính nam hay người chuyển giới. Nó đúng là như vậy, nhưng còn bao hàm nhiều yếu tố khác“, ông chia sẻ, và theo đó thì chúng ta còn có thể hiểu rằng “Camp” ở đây là “giả lộ” – tức là những người đàn ông ăn diện cầu kỳ trong trang phục phụ nữ.

Một số ví dụ được Andrew đưa ra phần nào cũng cố định nghĩa này như BST Chanel Thu-Đông 1987 của Karl Lagerfeld với khởi nguồn là bức chân dung của Philippe em trai vua Louis, người thường dành nhiều thời gian để “giả lộ” hay BST Xuân-Hè 2019 của Erdem với cảm hứng từ bộ đôi “giả lộ” Fanny và Stella vốn nổi tiếng trong thời kỳ 1870.

Chủ đề của Met Gala 2019 đã có, và đó là một định nghĩa vô cùng hack não - Ảnh 3.

BST Xuân-Hè 2019 của Erdem ghi dấu ấn khi khắc họa hai chị em Stella và Fanny, tên thật là Frederick Park và Ernest Boulton, những người sinh ra với hình dạng nam giới nhưng lại sống như phụ nữ vào những năm 1860. Họ từng bị kết tội là “âm mưu và kích động phạm tội không tự nhiên”

Giả thiết về từ “Camp” này càng thuyết phục hơn khi Met Gala 2019 này sẽ được chủ trì bởi Lady Gaga – nghệ sĩ luôn tiên phong trong những hoạt động ủng hộ quyền lợi của LGBT. Ngoài ra thì còn có cả NTK Alessandro Michele, người đã mang đến hào quang của Gucci với phong cách hào nhoáng bóng bẩy đôi khi đến mức lố lăng. Hai cái tên khác cùng đồng hành tại Met Gala 2019 này là ca sỹ Harry Style và vận động viên Serena Williams.

Chủ đề của Met Gala 2019 đã có, và đó là một định nghĩa vô cùng hack não - Ảnh 4.

Những gương mặt chủ trì năm nay bên cạnh Anna Wintour.

Với một mảng miếng sâu rộng đòi hỏi kiến thức uyên thâm về văn hóa như thế, chắc chắn thảm đỏ Met Gala 2019 này là cuộc chơi khó nhằn đối với giới siêu sao. Chí ít thì cánh stylist cũng sẽ rất đau đầu để tô vẽ cho chủ nhân của họ đấy!

phongcachsao.com.vn

LEAVE A REPLY